Bê tông tươi|Bê tông trộn sẵn|Bê tông thương phẩm|bê tông mác cao|Vữa khô|Vữa xây gạch nhẹ|A&P|Mova - Tin tức - Hành trình tri ân trên dặm dài đất nước
    
Mua Home Beton A&P Online
Hỗ trợ trực tuyến
Tổng đài chăm sóc khách hàng
(084)3 836 2703
media
@
apcorp.com.vn

Tìm kiếm
Quảng Cáo


Đối tác







Tin tức » THÔNG TIN NỘI BỘ » Xem nội dung bản tin  

Hành trình tri ân trên dặm dài đất nước

[26.07.2012 14:42]
Xem hình
   Đó là mảnh đất huyền thoại với 72 nghĩa trang (trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia cùng gần 20.000 ngôi mộ liệt sĩ). Là mảnh đất nổi tiếng với Thành cổ anh hùng (nơi mà cứ một 1m2 đất phải hứng chịu 3 quả bom Mỹ, nơi thịt xương con người hòa cùng đất trong 81 ngày đêm “mùa hè đỏ lửa” năm 1972). Là mảnh đất có một “dòng sông máu” mà mỗi khi qua đó ta lại thảng thốt ngân nga: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm…”. Là mảnh đất có 10 liệt nữ làm nên hình tượng bất tử của những thanh niên xung phong anh hùng…


Đó là dải đất chúng tôi đã đi qua trong hành trình “Trường Sơn, Thành cổ - Ngày trở về”

  Bao người đã đi qua, bao người còn nằm lại
  Cùng với những doanh nhân, cựu chiến binh, đoàn chúng tôi khởi hành từ lúc 5h sáng từ Thủ đô Hà Nội. Trời đất còn nhá nhem, chưa nhìn rõ mặt người.
Theo đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi tiến dần vào dải eo của hình chữ S. Dải đất hẹp nhất đất nước nhưng lại phải hứng chịu nhiều nhất những mất mát, đau thương. Đây là con đường mà nhiều năm trước, cha ông chúng tôi đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nơi bao người đã đi qua, bao người còn nằm lại. Mỗi mét trên con đường này đều ghi dấu những chứng tích anh hùng. Đường mòn Hồ Chí Minh hôm nay đã được xây dựng lại, khang trang và đẹp như một dải lụa vắt ngang núi rừng trùng điệp, thẫm xanh màu cây cỏ. Những kí ức xa xưa bị cắt ngang bởi một giọng nói như một lời tâm sự “Chúng tôi là một trong những đơn vị được cung cấp vật liệu để xây dựng con đường này” - Câu nói của nữ doanh nhân Phạm Thị Lan Anh, TGĐ Công ty CP Bê tông, xây dựng A&P. Nhìn con đường sạch đẹp đưa từng đoàn người hôm nay về thăm lại chiến trường xưa, những người đã góp phần dựng xây lên nó không khỏi tự hào.
Càng đi sâu vào “đất miền Trung”, thời tiết càng khắc nghiệt. Dòng sông Lam như cạn mình dưới nắng. Qua cầu Bến Thủy vài chục cây số, chúng tôi tiến vào xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh với “địa chỉ đỏ” đầu tiên: Ngã ba Đồng Lộc. Hơn 40 năm trước, đây là huyết mạch giao thông quan trọng vào bậc nhất, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, nơi giặc Mỹ đã thả xuống hàng nghìn tấn bom hòng cắt đứt tuyến chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Giờ đây, ngã ba này là nơi yên nghỉ của 1.950 liệt sĩ và thanh niên xung phong toàn quốc và là nơi lưu giữ câu chuyện về 10 nữ TNXP lúc hi sinh vẫn sát cánh bên nhau như đang làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo cho xe ra tiền tuyến.
Đồng Lộc hôm nay đã xanh cây, thắm lá, nhưng những dấu ấn chiến tranh dường như vẫn thấp thoáng đâu đây trong đất, trong người. Đó là số phận của hàng nghìn nữ thanh niên xung phong đang phải sống trong cảnh khó khăn, đơn chiếc. Họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước, đã vùi chôn những khao khát riêng mình để đáp lại lời kêu gọi của non sông. Trở về sau chiến tranh, nhiều người trong số họ mang đầy thương tích, đã quá lứa lỡ thì nên không thể tạo dựng cho mình một mái ấm riêng. “Hiện nay, cả nước có 35 vạn TNXP thì riêng Hà Tĩnh chiếm đến hơn 1 vạn người. Trong đó, có tới 331 nữ TNXP đang phải sống trong cảnh đơn thân, không nơi nương tựa” - Chị Đặng Thị Yến, Phó Ban Quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết.



 Bà Phạm Thị Lan Anh tặng quà cho Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc

Đảng và Nhà nước đã có những chính sách, cơ chế đãi ngộ đối với các TNXP, nhưng dường như chỉ giải quyết được phần nào những khó khăn trong đời sống của họ. Với tấm lòng tri ân và sự sẻ chia sâu sắc, bà Phạm Thị Lan Anh (Giám đốc Công ty CP Bê tông, Xây dựng A&P) đã trao 10 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho 10 nữ TNXP của tỉnh Hà Tĩnh và 5 triệu đồng cho Ban quản lý Nghĩa trang Đồng Lộc. Hành động nhỏ nhưng làm ấm lòng những người đang sống và an ủi vong linh những người đã hi sinh. Nhiều người trong chúng tôi bật khóc khi nghe câu chuyện của một nữ thanh niên xung phong đã nhờ chồng đèo xe đạp mất nửa ngày đường dưới cái nắng cháy da sém thịt, từ huyện miền núi Hương Sơn đến Đồng Lộc để gặp mặt đoàn đại biểu.

Cần lắm những tấm lòng

Trường Sơn đông nắng, tây mưa
Ai chưa đến đó… thì chưa rõ mình

Rời Đồng Lộc, đoàn chúng tôi lại tiếp tục “hành quân” vào sâu hơn trên con đường “Nam tiến”. Cùng đoàn đua xe đạp “Về Trường Sơn 2012” do báo Quân đội Nhân dân tổ chức, chúng tôi thành kính dâng hương kính viếng linh hồn của gần 11.000 liệt sĩ tại Nghĩa Trang Trường Sơn. Như những người đồng hương lâu ngày mới gặp, mỗi thành viên trong đoàn đều tìm đến thắp những nén hương thơm trên mộ những liệt sĩ của quê hương mình. Châm một điếu thuốc, đặt một nhành hoa, họ rủ rỉ kể cho “đồng hương” xa quê lâu ngày về sự thay đổi của quê hương, của đất nước. “Có lẽ từ ngày ra đi, anh chưa được về thăm quê. Quê hương mình giờ đổi thay nhiều lắm…”. Một cựu chiến binh mang đầy huy chương trên ngực thì thầm trên một ngôi mộ nằm ở nơi xa nhất trong khu vực Hòa Bình quê ông.
Nhiều người trong chúng tôi lặng mình trước hàng mộ những liệt sĩ vô danh. Khi “tên anh gắn với những chiến công bất tử”, anh nằm đây giữa núi rừng Trường Sơn bạt ngàn nắng gió, thì ở đâu đó trên đất nước này, sẽ có những bà mẹ vẫn đêm ngày ngóng tin con với niềm day dứt khôn nguôi. Nước mắt và khói hương, nắng và gió… những hàng mộ trắng in dấu khát vọng của bao con người tuổi còn rất trẻ, nhiều người trong số họ còn “chưa từng yêu một người con gái/ Ngả vào lòng đất vẫn con trai”… khiến cho chúng tôi như lạc một thế giới mà sự bon chen, sự vất vả của đời sống thường nhật… đều trở nên vô nghĩa.
Từ nghĩa trang Trường Sơn, chúng tôi đến Thành Cổ Quảng Trị khi trời đã ngả về chiều. “Nắng quái” xiên nghiêng trên dòng sông Thạch Hãn, ánh lên rực rỡ như hình ảnh của “dòng sông máu” năm xưa. Vào thăm Thành cổ, một lời thì thầm như từ thinh không  nhắc nhở chúng tôi rằng: “Hãy bước thật khẽ, thật nhẹ thôi, kẻo làm đồng đội đau đấy. Bởi dưới lớp đất kia, vẫn còn hòa lẫn thịt xương của chiến sĩ mình”.  Đúng 40 năm trước, trong suốt 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa năm 1972, “cối xay thịt” đã san phẳng thành cổ nhưng không khuất phục được tinh thần chiến đấu của lính cụ Hồ.

Một phút tưởng niệm tại Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị

Bà Phạm Thị Lan Anh tâm sự: “Cha tôi cũng có mặt trong trận đánh kinh hoàng năm đó. Trong số những đơn vị ông chỉ huy, có một tiểu đoàn toàn những chàng sinh viên Hà Nội “xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu”. Sau trận đánh, tiểu đoàn ấy đã nằm hết lại ở nơi này. Cha tôi may mắn hơn họ…”.  Bà thay mặt người cha tuổi già sức yếu về thăm lại chiến trường xưa và tri ân những người đã ngã xuống. “Tôi muốn tặng một món quà tình nghĩa cho Ban quản lý nghĩa trang Thành cổ như thắp một nén tâm nhang tưởng nhớ những người đã hi sinh. Tôi muốn được tự tay mình thả những đóa hoa tươi xuống dòng sông Thạch Hãn, để những người đồng đội của cha tôi còn đang nằm dưới đáy sông được đời đời yên nghỉ dưới bóng mát và hương hoa”.  


Bà Phạm Thị Lan Anh thắp hương tại đài tưởng niệm trên sông Thạch Hản

Chuyến đi của chúng tôi kết thúc với đêm giao lưu nghệ thuật “Khát vọng Trường Sơn”. Những khúc ca bất hủ được cất lên như lời tri ân của người dân cả nước dành cho mảnh đất này. Cũng trong buổi giao lưu, những doanh nhân, đại diện cho thế hệ trưởng thành sau chiến tranh đã trao tặng 10 cuốn sổ tiết kiệm cho 10 bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh Quảng trị. Chỉ tiếc là các mẹ đã già yếu nên không thể nhận trực tiếp. Đây chỉ là những hành động nhỏ trong vô vàn những sự tri ân của người dân cả nước, nhưng nó cũng nhắc nhở chúng tôi luôn phải nhớ rằng: Uống nước phải nhớ lấy nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, được sống trong hòa bình tự do phải nhớ đến những người đã hi sinh xương máu để giành lấy nó.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ta đang được dựng xây và thay da đổi thịt từng ngày. Nhiệm vụ phát triển kinh tế hôm nay đặt trên vai những doanh nhân, doanh nghiệp. Nhưng trong những ngày tháng 7, gác lại những lo toan, giành một phút tưởng nhớ, tri ân nguồn cội…
T.N

Share |

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email



Những bản tin khác:



Lên đầu trang

A&P GROUP - TẬP ĐOÀN A&P
Trụ sở:Số 73 Trung Kính - Trung Hòa - Cầu Giấy -Hà Nội
Tel:(084)3 836 2703 - Fax: (084)3 756 8820
Email:ap@apcorp.com.vn - Website: http://www.apcorp.com.vn
© Copyright 1996 - 2016 by A&P All rights reserved
® Bản quyền thuộc về apcorp.com.vn,Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của A&P